Hiện nay, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ đô thị hóa, lượng dân cư đô thị chiếm 28% tổng dân cư toàn quốc và trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu dân tiếp tục tham gia vào “đại gia đình” đô thị. Trong đó TPHCM đạt tỷ lệ đô thị hóa cao nhất so với cả nước, dự kiến năm 2010 đạt 58% và 2025 đạt 77- 80%. Với dân số đô thị năm 2010 là 10 triệu người, đến 2025 là 16-17 triệu người, Tp.HCM sẽ là một trong các thành phố có dân số lớn hơn 10 triệu người của thế giới.
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của TPHCM có thể làm cho đời sống của người dân trở nên tiện nghi và hiện đại hơn. Nhưng mặt trái của nó là tạo cho con người những áp lực nặng nề khi phải đối mặt với môi trường sống đang bị tổn hại, gây nên sự ô nhiễm về không khí, ô nhiễm nước và cả ô nhiễm tiếng ồn tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Theo đồ án quy hoạch vùng, Đồng Nai sẽ chiếm giữ vị trí vô cùng quan trọng, là nơi hình thành các đô thị vệ tinh thuộc vùng phụ cận xung quanh TPHCM. Tuy nhiên, TP.Biên Hòa với mật độ dân cư hiện tại đứng thứ ba tại Việt Nam, khoảng 2968 người/km2, chỉ sau Hà Nội và TPHCM. Biên Hòa còn là nơi tập trung rất nhiều khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Khu công nghiệp Amata, Khu công nghiệp Tam Phước và Khu công nghiệp Loteco… Chính vì thế, Biên Hòa cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống của một đô thị lớn.
Ông Ngô Quang Hùng - Giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Miền Nam cho biết, Đồng Nai trong quy hoạch tổng thể TP.HCM đến 2020 sẽ là cực đối trọng phía đông TP.HCM bao gồm các đô thị Vĩnh Cửu, Long Thành, Dầu Giây, Gia Ray, Định Quán, Tân Phú. Cấu trúc không gian tỉnh Đồng Nai trong bản đồ sẽ chia làm 3 vùng là: vùng đô thị công nghiệp - dịch vụ, đô thị đối trọng vùng TP.HCM và vùng cảnh quan tự nhiên.
Trong khi đó, với lợi thế nằm ngay bên cạnh TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu được xác định là vùng kinh tế quan trọng trong tương lai của tỉnh Đồng Nai. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện Vĩnh Cửu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 xác định phát triển kinh tế xã hội của huyện theo hướng công nghiệp hóa –hiện đại hóa trên cơ sở phát huy triệt để các yếu tố nội lực, gắn với tích cực thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, tạo cơ cấu kinh tế bền vững theo hướng: công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp.
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TP Biên Hòa tại xã Thạnh Phú và Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu có vị trí thuận lợi để phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng so với các địa phương khác trong toàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, Vĩnh Cửu còn là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Chính vì thế, bên cạnh việc phát triển ngành công nghiệp, huyện Vĩnh Cửu còn chú trọng phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch; xem đây là một trong những nhiệm vụ đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện, nâng dần tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.
Với những yếu tố như thế, khu đô thị Thạnh Phú ra đời với tổng diện tích 897ha, là đô thị hình thành trên cơ sở phát triển KCN Thạnh Phú, với chức năng là trung tâm công nghiệp của Vĩnh Cửu và trung tâm dịch vụ thương mại khu vực phía Nam của huyện. Theo đó huyện sẽ quan tâm phát triển ngành dịch vụ có tính đột phá như dịch vụ giáo dục đào tạo và dạy nghề, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn như: Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, dịch vụ du lịch Làng bưởi Tân Triều, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu du lịch sinh thái Rạch Đông, Du lịch sinh thái hồ Mo Nang, Du lịch sinh thái Cao Minh (xã Vĩnh Tân), phối hợp với hệ thống du lịch Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch và các tuyến du lịch trên địa bàn huyện. Ngoài ra huyện còn khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ đầu tư, dịch vụ phân phối bán lẻ, dịch vụ phục vụ sản xuất và phát triển đô thị. Nhiều mạng lưới chợ, trung tâm thương mại và siêu thị được đầu tư xây dựng trong đó siêu thị Thạnh Phú đã đi vào hoạt động.
Việc phát triển đô thị và các ngành công nghiệp- dịch vụ trên địa bàn tạo điều kiện cho huyện Vĩnh Cửu phát triển bền vững, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, bảo vệ môi trường và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của Tỉnh.
Lê Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét